Học tập và lan tỏa phương châm đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"

Thứ Tư, ngày 13 tháng 3 năm 2024 - 20:42 Đã xem: 1446

Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dung lượng dày hơn 800 trang, với hơn 150 bài viết, 150 ảnh minh họa, được kết cấu thành ba phần chính đã tổng kết và hệ thống hóa sự phát triển về tư tưởng, lý luận của đảng đối với công tác đối ngoại. Đánh giá nhận định của Đảng ta về thời đại ngày nay, những xu thế lớn của thế giới, các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Tổng kết các thành tựu lớn của công tác đối ngoại trong gần 80 năm qua, chỉ ra các tồn tại hạn chế và các bài học lớn. Cụ thể hoá bản sắc riêng của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam một cách rất sinh động bằng hình tượng “cây tre Việt Nam”. Khẳng định quan điểm, lợi ích và tầm nhìn của Việt Nam trước những biến động của thế giới. Chỉ rõ các nhiệm vụ của đối ngoại, ngoại giao trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng "nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế" vì lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển đường lối đối ngoại Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Những kỷ niệm, những ấn tượng hay câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước thể hiện tình cảm, sự kính trọng, niềm tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư.

Tại cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023), Tổng Bí thư đã đúc kết hình tượng "cây tre Việt Nam":

"Vững ở gốc" gồm 3 nội hàm chính, đó là:  Kiên định nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc đê phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ. Lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời. Kiên định phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối.

"Chắc ở thân" là những phương pháp tạo nên sức mạnh, cũng có 3 nội hàm chính: Sức mạnh đoàn kết: trong đó đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng với phương châm chủ đạo là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh của sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Sức mạnh của tính chính danh, chính nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế́ tiến bộ của thời đại.

"Uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử ngoại giao: trong đó nguyên tắc căn bản là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phương pháp "ngũ tri" - biết mình, biết người, biết thời, biết thế, biết dừng, biết biến của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần chỉ đạo thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, vận dụng đúng đắn và sáng tạo trong thực tiễn góp phần góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao và để  bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong bối cảnh, đất nước ta đã trải qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tình hình quốc tế kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đã có những biến động to lớn, khó lường. Nhiều vấn đề lớn tác động mạnh đến nước ta về cạnh tranh địa chiến lược, khủng hoảng, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên... Bối cảnh đó tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội, rủi ro lẫn thời cơ. Cuốn sách góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng về đối ngoại nói riêng và các vấn đề quan trọng trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung./.

N.T.B.H

Xem tin theo ngày:   / /